slogan4

 
 

Những điều cần biết khi thiết kế và xin phép xây dựng

                                     NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI THIẾT KẾ VÀ XIN PHÉP XÂY DỰNG
1. Các bộ phận cấu tạo chính của ngôi nhà
Nhà là do các bộ phận khác nhau được tổ hợp theo những nguyên tắc nhất định tạo thành. Xét theo quá trình thi công đi từ phần ngầm đến phần thân và cuối cùng là mái thì nhà gồm các bộ phận sau :

cac_bo_phan_cau_tao_nha
Chú thích hình: 1- cọc; 2- móng; 3-Tưòng; 4- nền nhà; 5-cửa sổ; 6- cửa đi; 9-sàn gác; 10-cầu thang; 11- mái; 12- vỉa hè; 13- rãnh nước; 14- bậc thềm; 15- ban công; 17- mái hắt; 18- máng nước;
1. Móng và nền nhà
Móng là bộ phận kết cấu dưới cùng của nhà nằm sâu dưới đất, chịu toàn bộ tải trọng của nhà và truyền tải trọng này xuống nền của móng. Nền nhà là bộ phận ngăn cách nhà với mặt đất tự nhiên, nhô cao hơn khỏi mặt đất từ 50mm - 3000mm phụ thuộc vào tính chất công trình và các qui định về cao độ qui hoạch của từng khu vực xây dựng cụ thể.
2. Tường và cột
Tường và cột làm bộ phận chịu lực theo phương thẳng đứng truyền trực tiếp tải trọng xuống móng. Ngoài ra tường là kết cấu bao che làm nhiệm vụ phân chia không gian trên mặt phẳng ngang và bao che nhà.
Yêu cầu: độ cứng lớn, cường độ cao, bền chắc và ổn định.
- Tường không chịu lực tải trọng nào gọi là tường tự mang
- Tường ngoài phải có khả năng chống được tác dụng của thiên nhiên như mưa, gió, bão, bức xạ mặt trời và có khả năng cách âm, cách nhiệt.
3. Sàn, gác
Sàn là bộ phận kiến trúc chia không gian nhà thành các tầng, sàn còn là bộ phận kết cấu chịu lực theo phương ngang. Sàn tựa lên tường hay cột thông qua hệ thống dầm.
4. Cầu thang :
Cầu thang là bộ phận giao thông theo chiều thẳng đứng, nối liền các không gian không cùng cao độ. Cầu thang còn được xem là một bộ phận kết cấu làm việc theo phương ngang.
5. Mái
Mái là phần bên trên cùng của nhà. Mái nhà vừa là bộ phận chịu lực đồng thời là kết cấu bao che và bảo vệ cho các bộ phận bên dưới. Yêu cầu: kết cấu mái bền lâu, không thấm nước, thoát nước nhanh và cách nhiệt cao, có độ cứng lớn, cách âm, có khả năng chống thấm.
6. Cửa đi, cửa sô
Cửa đi dùng để liên hệ giữa các phòng, ngăn cách bên trong và bên ngoài nhà, bảo vệ an ninh cho ngôi nhà. Cửa sổ có tác dụng lấy ánh sáng và thông gió cho phòng. Hệ thống cửa còn có tác dụng trang trí cho ngôi nhà. Yêu cầu: cách âm, cách nhiệt, có khả năng phòng hoả...
2. Hồ sơ thiết kế xây nhà, sửa nhà gồm những gì
Các gia đình muốn thuê thiết kế cũng cần phải nắm được thiết kế gồm những mục nào chứ, TXD xin liệt kê ra đây danh mục các hồ sơ thiết kế nhà, để quý cô bác anh chị có thêm thông tin làm cơ sở lựa chọn gói thiết kế phù hợp, cũng như kiểm tra giám sát việc thiết kế nhà ở gia đình mình. Hồ sơ thiết kế xây dựng nhà gồm các hạng mục sau đây:
No Danh mục hồ sơ Mô tả nội dung hồ sơ
1 Hồ sơ xin phép xây dựng - Đầy đủ hồ sơ xin phép XD theo quy định (không bao gồm các thủ tục đi xin phép XD)
2 Hồ sơ phối cảnh - Phối cảnh 3D mặt tiền
3 Hồ sơ kiến trúc
- Mặt bằng kỹ thuật các tầng
- Các mặt đứng triển khai
- Các mặt cắt kỹ thuật thi công
4 Hồ sơ kiến trúc mở rộng - Mặt bằng trần giả
- Mặt bằng lát sàn, mặt bằng bố trí đồ nội thất
5 Hồ sơ nội thất - Trang trí nội thất, ánh sáng, vật liệu, màu sắc toàn nhà, vách đá trang trí, đồ gỗ furniture…
6 Hồ sơ nội thất triển khai
- Triển khai chi tiết các thiết bị nội thất.
- Triển khai các chi tiết trang trí tường, vườn cảnh..
7 Hồ sơ chi tiết cấu tạo - Thang ban công, vệ sinh, cửa và các chi tiết
khác của công trình.
8 Hồ sơ kết cấu
- Mặt bằng chi tiết móng, hầm tự hoại.
- Mặt bằng dầm sàn, cột các tầng.
- Chi tiết cầu thang, chi tiết cột, chi tiết dầm.
- Các bảng thống kê thép.
9 Hồ sơ thiết kế kỹ thuật điện nước, điện lạnh (M&E)
- Bố trí điện công trình.
- Cấp thoát nước công trình.
- Hệ thống thông tin liên lạc. Hệ thống chống sét
10 Phần thiết kế cảnh quan sân vườn
- Thiết kế cổng tường rào, hệ thống hạ tầng kỹ
thuật.
- Sân đường đi dạo, giao thông nội bộ.
11 Dự toán chi tiết và tổng dự toán xây dựng
- Bóc tách, liệt kê khối lượng, đơn giá, thành tiền các hạng mục thi công công trình.
12 Giám sát tác giả
- Đảm bảo xem xét việc thi công xây lắp đúng thiết kế.
- Giúp chủ đầu tư lựa chọn vật liệu và thiết bị nội thất
Ở bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu với các cô chú, anh chị làm sao để
chọn đơn vị thiết kế chất lượng.
3. Hướng dẫn đọc bản vẽ thiết kế nhà
Việc đọc hiểu bản vẽ thiết kế ngôi nhà sẽ giúp gia chủ nắm rõ những điều kiến trúc sư muốn diễn đạt trong thiết kế, đồng thời trao đổi với kiến trúc sư nhằm đảm bảo được sự hài lòng với ngôi nhà tương lai của mình. Theo kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân, ngôn ngữ bản vẽ là loại ngôn ngữ thiết kế được sử dụng đồng loạt trên toàn thế giới. Ngay cả khi không cùng ngôn ngữ nói, nhưng khi nhìn vào bản vẽ, hầu hết kiến trúc sư trên thế giới đều hiểu ý nghĩa của bản vẽ như nhau. Vì vậy, việc đọc hiểu về các thành phần cơ bản của bản vẽ, là kiến thức căn bản để gia chủ có thể trao đổi với kiến trúc sư, hiểu được những điều kiến trúc sư muốn diễn đạt trong thiết kế, nhằm đảm bảo được sự hài lòng với ngôi nhà tương lai của mình.
Trong giai đoạn thiết kế sơ bộ, kiến trúc sư sẽ làm việc và trình bày với gia chủ các phần bản vẽ sau để đi đến thống nhất ý tưởng xây dựng nhà: Bản vẽ mặt bằng các tầng Sau khi tưởng tượng cắt bỏ đi phần trên của ngôi nhà (phần này thường cao 1 m so với cao độ tầng nhà đó), mặt bằng là hình chiếu phần còn lại của 1 tầng của ngôi nhà lên mặt phẳng. Phần mặt bằng dùng để bố trí các vật dụng và phân vùng phòng ốc, lối đi lại được bố trí trong phạm vi 1 tầng của ngôi nhà. Ví dụ, mặt bằng tầng trệt là bản vẽ nhìn từ trên xuống bố trí các phòng và vật dụng trong tầng trệt của ngôi nhà, mặt bằng lầu 1 là bản vẽ nhìn từ trên xuống bố trí các phòng và vật dụng trong lầu 1 của ngôi nhà. Bản vẽ các mặt đứng Mặt đứng là hình chiếu thẳng góc thể hiện hình dáng bên ngoài của công trình. Nó thể hiện hình ảnh bố trí tổng thể của ngôi nhà nhìn theo góc độ thẳng trên từng mặt với các bố trí tổng quan bao gồm: cửa đi, cửa sổ, ban công, mỹ thuật đường nét và tính cân đối giữa kích thước chung và kích thước riêng của ngôi nhà. Tùy từng công trình thiết kế đơn giản hay phức tạp, kiến trúc sư sẽ thể hiện số lượng bản vẽ mặt đứng nhiều hay ít để gia chủ dễ hình dung. Bản vẽ mặt cắt
Là hình thể hiện công trình thu được khi dựng các mặt phẳng quy ước cắt từ trên xuống ngang qua ngôi nhà (vuông góc thẳng đứng với mặt đất). Mặt cắt thể hiện không gian bên trong nhà, chiều cao nhà, số tầng, chiều cao các tầng, các lỗ cửa, kích thước tường, độ cao dầm, độ dày sàn, cấu tạo vì kèo, sàn mái, cầu thang, vị trí hình dáng chi tiết kiến trúc bên trong các phòng. Bản vẽ phối cảnh Là bản vẽ hình chiếu 3D của công trình giúp gia chủ hình dung được hình ảnh công trình trong thực tế theo cách quan sát thông thường chứ không phải theo ngôn ngữ kỹ thuật. Bản vẽ phối cảnh giúp chủ nhà hình dung công trình theo hướng trực quan sinh động với các chất liệu và màu sắc thực tế.
4. Cách lựa chọn công ty thiết kế nhà
Có một hình ảnh mà chúng tôi cho rằng rất là đúng về nghề kiến trúc, mọi người cùng xem nhé.

453


Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu xây nhà mà có người nhà làm kiến trúc sư kinh nghiệm nhờ người đó thiết kế cho ngôi nhà quả là an tâm nhất, vì sự am hiểu kiến trúc của họ, kích thước, tỷ lệ, không gian, ánh sáng, gió…mọi thứ sẽ chẳng phải băn khoăn gì nhiều. Nhưng không phải ai cũng có người nhà như vậy, và đa phần mọi người đều đi thuê. Đi thuê thiết kế gặp đội nào tay mơ, thiếu kinh nghiệm thiết kế cái nhà nhiều khi vẽ vời lên 3D đẹp long lanh luôn ý, nhưng đến khi thi công kết cấu công trình mới lộ ra nhiều điểm chết người, đó là dầm chạy ngang cầu thang đi không cẩn thận là cộc đầu như chơi, thế là mỗi lần đi cầu thang lại phải đội mũ bảo hiểm. Thông thường tham gia vào thiết kế ngôi nhà cần có một nhóm làm việc cùng nhau: kiến trúc sư vẽ lên các bản vẽ kiến trúc; kỹ sư kết cấu dựa trên đó tính toán lực vẽ lên kết cấu sắt thép bê tông, cột dầm sàn, tường cho ngôi nhà; kỹ sư thiết kế điện nước cũng theo đó mà thiết kế điện nước cho ngôi nhà, có điều gì chưa hợp lý các bên cùng bàn bạc để chốt giải pháp hợp lý nhất cho ngôi nhà; và cuối cùng khi các thứ trên đã chốt một người chuyên tính giá, chi phí xây dựng ngôi nhà (gọi là kỹ sư dự toán) sẽ tính toán lên việc xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà của cô chú, anh chị hết bao nhiêu tiền. Từ đó mà các cô chú, anh chị có cái nhìn rõ nét nhất về ngôi nhà
sắp xây dựng của nhà mình, hình dáng, phong cách, không gian, vật liệu, màu sắc, làm hết bao nhiêu tiền. Bởi vậy, khi chọn đơn vị tư vấn hãy nói với đơn vị thiết kế rằng, tôi cần người chủ trì thiết kế có kinh nghiệm và cho tôi gặp nhóm thiết kế của anh(kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu, kỹ sư điện nước và kỹ sư dự toán), sau khi xem sản phẩm đã làm của các anh, tôi sẽ quyết định có nên thuê các anh không – mình là khách hàng mình có quyền mà.
Tuy nhiên, như hình trên thì chắc mọi người cũng hình dung ra là cái gì cũng có giá của nó cả, của rẻ là của ôi, đắt thì sắt ra miếng.
5. Các phòng chức năng cơ bản trong một ngôi nhà
Nói về thiết kế mà chưa đưa ra một số kiến thức cơ bản về thiết kế các phòng chức năng như thế nào, để mọi người tham khảo qua đó đánh giá xem thế nào là một thiết kế ổn thì quả là thiếu sót. Mà cái này lại là cái mà hầu hết mọi người quan tâm đầu tiên khi xem xét thiết kế. Phòng ngủ: Không nên thiết kế căn phòng có chiều dài quá 2 lần chiều rộng, vì kê đồ rất khó, gây lãng phí diện tích và nhìn không hài hòa. Tốt nhất là chọn tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài bằng (hoặc gần bằng) với “tỷ lệ vàng” 0,62 kê giường tủ đều đẹp mà lại thông thoáng, khiến người ở có cảm giác thoải mái dễ chịu. Theo kinh nghiệm xây nhiều ngôi nhà của chúng tôi, diện tích phòng ngủ nhà dân tối thiếu nên là 9m2, phòng ngủ rộng hơn thì tầm 15-20m2. Chật quá cũng không ổn khiến cho không gian nghỉ ngơi bị bí bách, rộng quá thì lại cảm giác trống trải, chưa kể còn gây tốn kém ( thứ nhất là tốn tiền xây, thứ hai là tốn điện vì cần điều hòa to hơn thay vì dùng con 9000BTU thì phải dùng con 12000BTU, hoặc 18000BTU mới đủ mát).
Con số rộng bao nhiêu là đủ thì chúng tôi xin không bàn ở đây, vì mỗi người mỗi khác và biết bao nhiêu cho đủ. Mong các cụ “cao kinh” – kinh nghiệm cao trao đổi chỉ giáo thêm.
Phòng trẻ em: đương nhiên là để ngủ, học tập và vui chơi nên cần phải có giường đơn, tủ quần áo, bàn học tập và không gian để trẻ chơi đồ chơi. Nếu có điều kiện thì tách riêng phòng học tập càng tốt. Có một điều là các em bé cần có sự giám sát của bố mẹ nên phòng trẻ em nên được thiết kế gần phòng bố mẹ, để tiện bề chăm sóc và dạy bảo con.
Bếp: đi sửa nhà hay phải sửa cái bếp này mọi người ạ, cái thì cũ quá bỏ đi xây mới, cái thì không hợp phong thủy chỉnh lại hướng nên là phải chỉnh lại phòng bếp, rồi bất cập ở chỗ hút mùi nấu ăn nữa, nhà nào đường ống hút mùi không có hoặc không tốt nấu ăn bị ám mùi lắm, nhất là bữa nào nấu dựa mận thịt chó, hay cá kho tương thì thôi rồi. Thế nên là trong thiết kế phòng bếp nhất thiết phải xem xét đến hút mùi, nhà chung cư lại càng đặc biệt chú ý các cô bác anh chị nhé.Nguyên tắc chung trong việc thiết kế bếp:
- Thông gió tốt, hút mùi tốt được đặt bằng ống kỹ thuật dẫn ra ngoài (nếu được) hoặc dẫn lên mái
- Không nên để hàng xóm hay khách nhìn vào
- Cách ly hẳn với các phòng ở,
- Gần cạnh phòng ăn
WC: cái này quan trọng lắm nhé, ngày nào cũng phải dùng mà dùng nhiều là đằng khác, đâm ra khi làm nhà mà cái wc không đẹp thì đi tắm, đi I nặng, đi tiểu chẳng buồn huýt sáo nữa. Wc thường được thiết kế thành một trục, cụm với bếp để tiện cho việc cấp, thoát nước. Tiết kiệm kha khá tiền mua vật tư điện nước đấy ạ. Ngoài ra còn lưu ý gạch ốp lát nhà vệ sinh, trước đây các cụ thường dùng gạch hoa, gạch bông nhỏ xíu cỡ 15x15, 20x20cm, nhìn rối mắt kinh, sau này là gạch men 25x25cm. Bây giờ thì người ta thích dùng các loại gạch to hơn cỡ 30x60cm, phòng wc lớn thì dùng cỡ 60x60cm. Nền gạch nhà tắm nhất định phải lát gạch nhám để không bị trơn trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. (Kỹ hơn tôi sẽ trình bày trong
một bài chi tiết về Chọn gạch ốp lát phù hợp).
Cầu thang: là bộ phận giao thông theo chiều đứng của ngôi nhà, ngoài tác dụngđi lại cầu thang còn là nơi hút gió, thông khí cho nhà và lấy ánh sáng tự nhiên, vì thế  mà hầu hết các ngôi nhà ở Hà Nội đều kết hợp như vậy. Cầu thang, theo tôi giống như là xương sống của ngôi nhà vậy, quyết định rất lớn đến sự hợp lý, hài hòa trong tổng thể kiến trúc của ngôi nhà. Chính vì thế cầu thang cần đặt ở chính giữa để kết nối các tầng, các phòng chức năng, sao cho thuận tiện và nhanh chóng. Quan điểm một số bác nói là cần nhét cầu thang vào chỗ tối, kín đáo tôi cho rằng đến nay không còn phù hợp. Tất nhiên cũng không thể áp dụng cho tất cả các ngôi nhà được vì chẳng nhà nào hoàn toàn giống nhà nào cả, như nhà ống cỡ nhỏ 30-35m2 thì các
kiến trúc sư thường bố trí cầu thang ở vị trí cuối nhà để tiện cho việc sắp xếp các phòng chức năng.
Sửa nhiều nhà chúng tôi thấy đa phần mọi người đều thích số bậc cầu thang là số lẻ, 17, 19, 21, 23, 25 nhưng có lẽ số đẹp nhất là 17, 21, 25 vì phù hợp với chiều cao các tầng để đảm bảo chiều cao cổ bậc tầm 15-18cm, phù hợp với bước chân đi lên xuống của con người nhất. Nhà nào mà cổ bậc cao quá cỡ 20cm, 22cm thì mỗi lần lên xuống là một cực hình với các cụ lớn tuổi. Cho nên quý cô bác anh chị cần chú ý điểm quan trọng này nhé. Có lẽ chỗ này cần đi sâu thêm một tí, chiều cao cổ bậc (đối bậc) gọi là h, bề rộng mặt bậc là b, chiều rộng cầu thang là L

bac
L: từ 900mm – 1200mm, tức là từ 90 phân đến 1,2m, nhà nào hẹp nhỏ mà muốn tiết kiệm diện tích thì nên để tối thiểu là 80 phân nhé, để bé quá đi lại khó mà mang vác đồ đạc càng khó, nhất là lúc kê giường tủ, bàn ghế ở trên cao. H và b có quan hệ mật thiết với nhau 2h+b=600 mm, người ta tính toán ra chiều cao cổ bậc h từ 150-180 mm, bề rộng mặt bậc từ 240-300mm sẽ tạo nên một cầu thang hoàn hảo.
6. Chiều cao tầng nhà
Tính từ mặt sàn tầng dưới đến mặt sàn tầng trên chính là chiều cao 1 tầng nhà. Nhà cao, cửa phải rộng để đảm bảo lưu thông không khí, làm cho nhà thông thoáng, đó là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự hanh thông cho ngôi nhà của cô chú, anh chị. Vậy chiều cao nhà như nào cho hợp lý?
Trong kiến trúc và xây dựng người ta thường lấy chiều cao tầng nhà bằng bội số hàng 2 chục, 20-26 lần của chiều cao bậc tam cấp. Chiều cao bậc tam cấp lên nhà là a=150mm (15 phân hay 0,15m). Thế nên trong kiến trúc, xây dựng nhà dân các chiều cao tầng nhà phổ biến là: 3m (20 lần chiều cao bậc tam cấp), 3,3m (22 lần) , 3,6m (24 lần), 3,9 m (26 lần). Trừ phi là làm gác xép, chứ không nên lấy chiều cao nhà ≥4m vì tốn vật liệu xi, cát, gạch đá, sắt thép, mà chi phí làm cửa cũng tốn khó chọn kích thước, làm cầu thang cũng tốn. Với nhà hẹp mà chiều cao lớn sẽ có cảm giác sống trong 1 cái giếng, đây là hậu quả của việc xây nhà không có thiết kế mà làm theo góp ý của các bác thợ. Chiều rộng nhà 3m, sâu 12m, các bác ý bảo chủ nhà xây cao 3,8m tầng 1, tầng 2, 3, 4 là 3,6m. Đến khảo sát để sửa nhà cho cô chú ấy mà chủ nhà cứ than, nhiều hôm có mỗi mình ở nhà nếu không bật điện sáng nhìn trong nhà cứ có cảm giác sợ sợ. Nhà rộng mà chiều cao lại thấp thì lại có cảm giác nặng nề.
7. Hướng dẫn xin phép xây nhà
Trong quá trình xây dựng một ngôi nhà, với đa phần người dân, một việc rất mất thời gian, gây tổn hao tinh thần và tất nhiên cả tiền bạc, đó là xin giấy phép xây dựng. Vậy giấy phép xây dựng là gì và làm sao để vượt qua trở ngại đầu tiên này trong quá
trình làm nhà như thế nào? Chúng tôi xin trình bày dưới đây để quý cô, bác, anh, chị tham khảo trong việc xin phép xây dựng.
Giấy phép xây dựng là gì?
Là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người xây, sửa nhà để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình. Ở thành phố, không có giấy phép thì việc xây dựng mới, sửa chữa cải tạo nhà gần như là bất khả thi. Cho nên
nhất định phải có giấy phép.
Hồ sơ xin phép xây dựng gồm những gì?
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng thông thường gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu đối với từng trường hợp,
từng loại công trình).
2. Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu công trình, nhà ở, đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo; giấy uỷ quyền, đối với trường hợp được chủ sở hữu công trình uỷ quyền thực hiện sửa chữa, cải tạo;
3. Hai bộ bản vẽ thiết kế do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện
và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Mỗi bộ gồm:
a) Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất, mặt bằng ranh giới lô đất, bản vẽ bình đồ (đối với công trình theo tuyến), sơ đồ đấu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của công trình (giao thông, thoát nước);
b) Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình;
c) Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính
(móng, khung, tường, mái chịu lực);
đ) Đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì phải có các bản vẽ về vị trí, hạng mục cần cải tạo, nếu có ảnh hưởng đến kết cấu công trình thì phải có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng kết cấu cũ liên quan đến các hạng mục cải tạo và các biện pháp gia cố xác định đủ điều kiện để sửa chữa, cải tạo, kèm theo ảnh chụp hiện trạng công trình xin phép cải tạo và công trình lân cận.
Nộp hồ sơ, liên hệ làm việc xin cấp giấy phép xây dựng Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp phép xây dựng, mọi người mang hồ sơ lên nộp tại bộ phận một tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, liên hệ làm việc với Phòng quản lý và cấp phép xây dựng của quận. Việc này chỉ cần gặp đúng người, quan hệ tốt là mọi việc sẽ được cán bộ ta hướng dẫn một cách chi tiết cụ thể, tận tình chu đáo. Lệ phí là theo quy định còn chi phí thế nào là tùy tâm quý cô bác anh chị. Sau khi nộp hồ sơ, trên quận họ sẽ cử người xuống phường cùng với phường làm một số thủ tục xác nhận đất đai, làm việc với hàng xóm láng giềng về việc xây dựng, sửa chữa nhà của gia đình (nếu cần). Với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, mọi thủ tục làm việc với các cơ quan hành chính ổn thỏa thì thời gian được cấp phép xây dựng theo quy định là 15 ngày làm việc.
Trên đây là một số hướng dẫn, hy vọng có thể giúp ích cho quý cô bác anh chị
trong quá trình xây dựng, cải tạo sửa chữa ngôi nhà của gia đình.

In bài viết
DANH MỤC SẢN PHẨM
Liên hệ
  • Thiết kế 0989972801
  • Thi công 0916760656
TÌM KIẾM NHANH
LIÊN HỆ

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN KIẾN TRÚC VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ VIỆT

Trụ sở chính: Tầng 2 tòa nhà Helios Tower, 75 Tam Trinh - Q.Hoàng Mai - Tp.Hà Nội

VPĐD tại HD : số 6 Lê Thanh nghị - P.Phạm Ngũ Lão - TP.Hải Dương

Hotline: 0989.972.801

Email liên hệ: xaydungkientrucnhaviet@gmail.com

KẾT NỐI

Chấp nhận thanh toán:

Các đối tác lớn: 
doitac2